Tội phạm "xã hội đen" lại lộng hành

NDO -

Khánh "trắng", Năm Cam, hai ông chủ "tập đoàn tội ác" tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từng làm mưa làm gió một thời với những hoạt động vi phạm pháp luật mang màu sắc xã hội đen (XHÐ), lũng đoạn, chi phối các cơ quan công quyền lần lượt bị bắt giữ và chịu sự trừng phạt. Thế nhưng, từ năm 2012, loại tội phạm này tái xuất với những diễn biến hết sức phức tạp.

Tú "khỉ" cùng tang vật sau khi bị bắt.
Tú "khỉ" cùng tang vật sau khi bị bắt.

Tội phạm cũ, thủ đoạn mới

Cuối tháng 3-2013, sau khi Cục CSÐT tội phạm về TTXH (C45) Bộ Công an triệt phá băng nhóm tội phạm do Phạm Khắc Tú (tức Tú "khỉ"), quê Ðông Ninh, Khoái Châu (Hưng Yên) cầm đầu. Sự lộng hành của chúng suốt thời gian dài khiến người dân hoang mang, lo sợ.

Thời điểm bị bắt giữ, Tú "khỉ" đang là bị án, từng bị TAND huyện Khoái Châu tuyên phạt chín tháng tù giam, nhưng không hiểu sao lại được miễn thi hành án. Trước đó, hắn từng gây thương tích cho một công an xã nhưng vụ việc cũng "chìm" do người bị hại bãi nại. Sau đó, y càng ngông nghênh, hoạt động công khai, thách thức cơ quan pháp luật. Mỗi tàu khai thác cát không có giấy phép phải "nộp phí" hai triệu đồng/ngày, doanh nghiệp nào không nộp tiền "bảo kê", lập tức bị chúng rải chông sắt trước cổng, hành hung tài xế, không thể yên ổn làm ăn. Hắn còn thu nạp thêm 60 đối tượng có "số má", băng nhóm còn đánh bạc, siết nợ, cưỡng đoạt tài sản và thanh trừng, khiến dư luận bất bình.

Giả điên là chiêu mới của tội phạm XHÐ. Tháng trước, Công an TP Hải Phòng bắt giữ ba tên cầm đầu băng nhóm côn đồ khét tiếng đất Cảng, thủ phạm nhiều vụ nổ súng gây kinh hoàng được ngụy trang, núp bóng dưới các "hồ sơ bệnh án tâm thần" gồm Mai Ðức Vượng (tức Tộ "tích") ở 9/47 đường Nguyễn Hữu Tuệ, quận Ngô Quyền; Ðào Duy Tuấn (tức Tuấn "tượng") ở số 45/16 Hạ Lý, quận Hồng Bàng và Ðào Văn Thắng ở xã An Hưng, huyện An Dương. Chúng không chỉ "đâm thuê chém mướn", cờ bạc... mà còn lấn sang các lĩnh vực kinh tế như vận tải, kinh doanh, bao bãi, cầm cố... Nguy hiểm hơn là chúng móc nối được với một số cán bộ các cơ quan công quyền; đồng thời sử dụng tiền thu lời từ làm ăn phi pháp đóng cổ phần vào các doanh nghiệp rồi công khai hoạt động...

Kinh tế suy thoái, doanh nghiệp phá sản, nhiều người buôn bán thua lỗ, vay nợ "tín dụng đen" không có khả năng trả nên hoạt động đòi nợ thuê, siết nợ, bắt giữ người trái pháp luật gia tăng. Các đối tượng gây án rất manh động, sẵn sàng dùng bạo lực hại người, tưới xăng đốt người, nổ mìn, đặt quan tài, nhắn tin khủng bố, thuê người giả danh thương binh đến ăn ở tại nhà, đặt vòng hoa viếng người sống... Theo Cục C45, tình trạng tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến cho vay, thuê, cầm cố tài sản với lãi suất cao dưới dạng ’’tín dụng đen’’ rất phức tạp, với 4.300 vụ việc từ đầu năm 2012 đến nay. Trong đó, không ít vụ xuất phát từ nỗi bức xúc, xót của và tâm trạng không biết bấu víu vào đâu của người dân nên nhờ XHÐ đòi nợ. Từ đó, tội phạm XHÐ liên kết, thành lập băng ổ nhóm, mở rộng lãnh địa và công khai hoạt động.

Hiện tượng "bảo kê" nhà hàng, bến xe, các tuyến đường thủy, bãi khai thác khoáng sản, chợ đầu mối... gia tăng. Các đối tượng giang hồ thêm đất sống, thản nhiên hốt bạc. Chúng tự đặt ra các quy ước trái phép để thu phí, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng thanh toán lẫn nhau để tranh giành ảnh hưởng, giải quyết mâu thuẫn. Thậm chí có doanh nghiệp được cấp phép khai thác vẫn phải thuê các băng nhóm "bảo kê" để "thiết lập trật tự ngầm". Nhiều đối tượng thành lập doanh nghiệp, sử dụng mối quan hệ với các cán bộ công quyền tạo bình phong, che đậy cho hoạt động phạm tội, "vô tư" gây án mà không bị xử lý nên "nhờn" luật. Không ít đối tượng còn trẻ tuổi nhưng rất liều lĩnh, manh động. Thậm chí, có đối tượng còn sử dụng công nghệ cao phạm tội, có biểu hiện móc nối tội phạm nước ngoài.

Chủ động trấn áp

Sở dĩ tội phạm lộng hành do hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, một số quy định còn nhiều kẽ hở. Sau khi đâm chém trả thù, dằn mặt người bị hại, hung thủ khống chế, ép buộc, mua chuộc người bị hại viết đơn bãi nại, từ chối giám định thương tích... gây khó khăn cho điều tra. Các quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp dân sự liên quan đến vay nợ, tín dụng đen trong nhân dân còn bất cập nên xử lý khó khăn... Người dân phát hiện vi phạm không dám tố cáo sợ bị liên lụy, điều tra xử lý chưa nghiêm và tình trạng vũ khí nhập lậu, tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ khiến "thế giới ngầm" ngày càng bành trướng. Nguy hiểm hơn, những kẻ cầm đầu thường đứng đằng sau chỉ đạo đàn em gây án nên xử lý hết sức khó khăn. Qua đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm XHÐ vừa qua, đại tá Hồ Sĩ Tiến, Cục trưởng C45 thẳng thắn nhận định: "Nơi nào chính quyền, cơ quan chức năng lơ là, lơi lỏng là tội phạm trỗi dậy! Một số nơi có biểu hiện bao che".

Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo Bộ Công an và các địa phương Hưng Yên, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng, băng nhóm XHÐ hoạt động "bảo kê", lộng hành, gây hoang mang, bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự.

Phòng, chống tội phạm XHÐ hiệu quả không chỉ là việc hô hào ý thức cảnh giác của người dân, mà quan trọng là hành động của các cơ quan bảo vệ pháp luật và chính quyền địa phương. Do đó cần xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có liên quan thuộc quyền quản lý trong việc để các đối tượng, băng nhóm XHÐ hoạt động. Một khi còn những hành vi dung túng, nương tay thì đồng nghĩa với việc tội phạm vẫn còn đất hoạt động. Thêm nữa, phải tập trung rà soát các băng nhóm, đối tượng cộm cán cầm đầu để kịp thời truy bắt, xử lý nghiêm, tăng cường tuần tra ngăn chặn các băng nhóm côn đồ càn quấy, tội phạm đường phố; phát động người dân tích cực tố giác tội phạm; giải quyết kịp thời mâu thuẫn nội bộ trong nhân dân... tạo thế trận chủ động tiến công, có như vậy, tội phạm XHÐ mới không còn đất dung thân.

* Ðại tá Hồ Sĩ Tiến, Cục trưởng C45:Ðang xuất hiện tình trạng đối tượng có tiền án, tiền sự, giang hồ cộm cán giả tâm thần, sử dụng bệnh án tâm thần trước khi gây án đối phó cơ quan pháp luật. Cục sẽ thành lập một tổ rà soát, kiểm tra chặt chẽ từng hồ sơ các vụ án mà các nghi can có biểu hiện tâm thần, trong quá trình điều tra xuất trình hồ sơ bệnh án tâm thần nên không xử lý được bằng hình sự. Mỗi cán bộ của các cơ quan tố tụng khi tiến hành điều tra, xem xét các trường hợp này phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, bởi nếu chỉ cần "tặc lưỡi" bỏ qua, sẽ có một tên tội phạm nguy hiểm lọt lưới pháp luật.