Một thông điệp xã hội

NDO - Trong khi nhiều đơn vị nghệ thuật sân khấu gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút khán giả, Nhà hát Tuổi Trẻ đã tìm được một hướng mở bằng việc xây dựng những chương trình khai thác các vấn đề mà cộng đồng xã hội đang quan tâm như giới tính, về HIV/AIDS... Các chương trình này mang yếu tố xã hội ngay từ việc thu hút sự tài trợ của các tổ chức cho tới việc biểu diễn miễn phí phục vụ các đối tượng khán giả.

Khi những tác phẩm kịch hình thể ra đời còn gây nhiều tranh cãi về hướng đi, cách dàn dựng thì các nghệ sĩ của Ðoàn kịch hình thể của Nhà hát Tuổi Trẻ lại có một con đường riêng, thu hút được nhiều dự án nghệ thuật hướng vào các vấn đề xã hội đang quan tâm.

Ðơn cử hai chương trình kịch hình thể Nhà hát Tuổi Trẻ kết hợp với tổ chức Peta (Hiệp hội sân khấu giáo dục Phi-li-pin) mang tên Stereoman và Nơi đến của những mảnh đời đã biểu diễn hàng trăm buổi phục vụ miễn phí cho hàng nghìn sinh viên thuộc hàng chục các trường cao đẳng, đại học trên cả nước. Sau mỗi buổi diễn, các sinh viên còn có những cuộc trao đổi, giao lưu sôi nổi với các nghệ sĩ về quan điểm của mình với kịch hình thể và các vấn đề mà tác phẩm nêu ra.

Năm 2010, với sự hỗ trợ của PEPFAR (Chương trình cứu trợ khẩn cấp về phòng, chống HIV/AIDS của Mỹ), Nhà hát Tuổi Trẻ đã phối hợp với Ðại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dàn dựng và cho ra mắt chương trình nghệ thuật sân khấu tương tác Ðừng đợi đến ngày mai (đạo diễn: Bùi Như Lai). Chương trình đã được biểu diễn miễn phí phục vụ sinh viên tại các trường đại học và cao đẳng trên cả nước hết sức thành công trong suốt hai năm 2010 và 2011, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả, nâng cao hiểu biết, góp phần thay đổi hành vi và mang đến những tác động tích cực đối với cộng đồng, đặc biệt là các khán giả trẻ.

Trong năm 2012, PEPFAR tại Việt Nam tiếp tục hỗ trợ Nhà hát dàn dựng và công diễn vở kịch tâm lý xã hội mang tên Cầu vồng lục sắc (đạo diễn: NSƯT Anh Tú). Ðây là bước đi tiếp theo trong tiến trình thực hiện Dự án Ðưa nghệ thuật vào phát triển cuộc sống tại Việt Nam và cũng là hoạt động hưởng ứng "Ngày Quốc tế chống kỳ thị người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới", với các mục tiêu nhằm góp phần cải thiện sức khỏe và phúc lợi của dân số Việt Nam, đặc biệt với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và không có được đầy đủ quyền công dân trong xã hội, thông qua nghệ thuật cùng các tiếp cận truyền thông nhằm thay đổi hành vi và xã hội.

Rất nhiều khán giả khi xem hai vở diễn kịch hình thể Ký ức và kịch ngắn tương tác Tôi ơi đừng tuyệt vọng đã không giấu nổi những giọt nước mắt thương cảm. Cả hai vở đều khai thác đề tài bạo lực gia đình - một vấn đề nhức nhối và nhiều nhạy cảm trong xã hội. Ðiều đặc biệt là vở diễn lại do chính những con người đã từng là những nạn nhân của bạo lực gia đình thể hiện. Ðây là lần đầu tiên những người phụ nữ bị bạo hành gia đình trực tiếp tái hiện cuộc đời mình trước công chúng bằng nghệ thuật đương đại với sự hướng dẫn, hỗ trợ của các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Các nghệ sĩ không chuyên đã diễn tả rất chân thực, bằng chính sự trải nghiệm của cuộc đời mình, khiến người xem vô cùng xúc động.

Những góc cạnh của bạo hành gia đình được phơi bày chân thực bao nhiêu thì sự thông cảm, chia sẻ của người xem dành cho các nhân vật trên sân khấu và cũng là những nhân vật ngoài đời xúc động bấy nhiêu. Ðiều này được thể hiện trong phần giao lưu tương tác giữa khán giả và nghệ sĩ. Một nam khán giả chia sẻ: "Một diễn viên trong chương trình là em vợ của tôi. Tôi không thể hiểu nổi những người đàn ông trên sân khấu cũng như ngoài đời tại sao họ lại mất nhân tính như thế đối với người vợ của mình. Họ có thể thất bại trong công việc, họ có thể có những ham thích riêng cá nhân... nhưng xin đừng trút những hận thù, bực bội vào người phụ nữ của mình".

Một nữ khán giả trung niên vô cùng bức xúc: "Tôi không đồng tình với cái kết của câu chuyện. Sự thực sau những bạo hành dã man như vậy người phụ nữ có thể tha thứ hay không? Họ có thể tha thứ và rồi bạo hành lại tiếp tục với cái vòng luẩn quẩn. Tôi nghĩ rằng với những hành động bạo hành dã man mất nhân tính thì phải để cho pháp luật trừng trị, chứ không thể cứ tha thứ mãi...". Những thông điệp chống lại nạn bạo lực gia đình đã được truyền đi một cách hiệu quả.

Ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho biết: "Bên cạnh các chương trình nghệ thuật chính thống do nhà hát đầu tư kinh phí, chúng tôi luôn khuyến khích các nghệ sĩ của mình đi tìm nguồn tài trợ của các tổ chức xã hội, đặc biệt là các dự án về văn hóa của quốc tế để dàn dựng một kênh riêng đề cập tới những vấn đề mà cộng đồng xã hội đang quan tâm...".