Nghề truy nã tội phạm

Nghề gói gọn trong ba chữ: khô, khó và khổ- Đại tá Nguyễn Ích Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (CSTN) công an tỉnh Nam Định trải lòng như vậy. Nhưng, khổ mà bớt đi được mối nguy hiểm cho xã hội thì những người làm nghề truy nã tội phạm cũng đồng lòng vượt qua.

Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Nam Định triển khai phương án bắt tội phạm.
Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Nam Định triển khai phương án bắt tội phạm.

Bàn tay sắt và gương mặt lạnh

Như một sự “thuận buồm xuôi gió”, ngay những ngày đầu phòng Cảnh sát truy nã tội phạm chuẩn bị ra mắt, các trinh sát đã lập chiến công, tóm gọn hai đối tượng trốn nã đặc biệt nguy hiểm sát hại lái xe ta-xi ở phường Trần Hưng Đạo, TP Nam Định. Sau này, đi vào hoạt động, chiến công nối tiếp chiến công, hàng loạt tội phạm sừng sỏ, mai danh ẩn tích nhiều năm nơi thâm sơn cùng cốc đã bị lùng bắt, đền tội.

Phá án đôi khi còn có yếu tố ăn may chứ bắt tội phạm truy nã phải chủ động 100% mới chắc thắng. Kinh nghiệm cho thấy, càng chỉ đạo ráo riết, phá án nhanh càng rút ngắn thời gian “thay hình đổi dạng” của tội phạm. Tâm lý tội phạm luôn đối phó và che dấu tung tích bằng thủ đoạn dùng giấy tờ giả “thay tên, đổi họ”, tạo “vỏ bọc” hợp pháp nên truy bắt nhiều khi như “mò kim đáy bể”. Đã vậy, mỗi khi lên đường tầm nã, vượt hàng trăm, hàng nghìn cây số, một nguyên tắc bất di bất dịch là không bao giờ các chiến sĩ được phép trở về “tay trắng”. Đi bắt nã đòi hỏi lòng kiên nhẫn, lặn lội, đeo bám, mật phục, bất kể đêm hôm trèo đèo, lội suối, thêm vào đó còn là nghệ thuật “cất vó” hiệu quả, an toàn. Với những tên giang hồ cộm cán, nhiều tiền án, tiền sự luôn sẵn sàng chống đối quyết liệt thì yếu tố bí mật, bất ngờ càng phải đặt lên hàng đầu. Nhớ lại lần đi bắt tội phạm truy nã Nguyễn Ngọc Đương - tên cầm đầu đường dây trộm cổ vật tại các đình, chùa, đền, nhà thờ địa bàn các tỉnh Nam Định, Thái Bình nhiều năm trước đây, Đại tá Ngọc kể, trong quá trình lần ra manh mối, các trinh sát phát hiện Đương cắt đứt liên lạc với vợ, đang có bồ và dạt lên tận xã Trung Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) - một xã giáp biên giới Việt - Lào. Vượt bao đèo dốc hiểm trở, các chiến sĩ cũng tới được địa bàn Đương ẩn náu. Xác định đối tượng đang có mặt tại một đám cưới nhưng đám cưới đông nghịt bà con dân bản, nhất cử nhất động đều ảnh hưởng đến tính mạng mọi người, đối tượng lại cảnh giác cao độ, dễ tháo vòng vây tẩu thoát. Trong tình thế khẩn cấp đó, các chiến sĩ buộc hóa trang, vào vai khách ăn cưới và bí mật áp sát Đương ngay tại buồng cô dâu. Sau thời gian thay tên đổi họ, giữa bản vắng xa xôi, bỗng nghe tiếng người gọi tên thật của mình, tên Đương giật bắn mình quay lại và trong nháy mắt, hai tay hắn đã nằm gọn trong chiếc còng số tám. Một chiếc khăn lập tức được phủ kín lên chiếc còng trắng lóa và các trinh sát áp giải đối tượng êm ru giữa lúc tiệc cưới vẫn ồn ào, náo nhiệt.

Đối tượng truy nã dù lẩn trốn ở đâu cũng luôn nghe ngóng tin tức từ người thân và đồng bọn. Do vậy, trinh sát phải nắm chắc nhân thân lai lịch, xác minh kỹ tất cả mối quan hệ và từ đó sàng lọc, lần tìm dấu vết truy bắt đối tượng. Trong vụ trọng án gây xôn xao dư luận ở thôn Đại Đê, xã Đại An (Vụ Bản) cách đây vài năm, Trung tá Nguyễn Vũ Hải cho biết, đối tượng Đỗ Mạnh Cường (Cường trố) sau khi bắn chết một người đến cầm đồ tại nhà mình đã nhanh chân bỏ trốn. Tất cả mối quan hệ của y được dựng lại. Nguồn tin cho hay tên này thoắt ẩn thoắt hiện khắp trong nam ngoài bắc, đã viết di chúc gửi vợ và tuyên bố không bao giờ đầu thú. Tầm ngắm của Ban chuyên án là nhà bác của Cường trố ở Cẩm Thành (Thanh Hóa), bởi sát bên là nhà một bác sĩ. Bị nghiện ma túy đá, viêm gan và suy thận nặng nên Cường trố buộc phải truyền đạm hằng ngày. Tối 13-7-2015, đích thân Trung tá Nguyễn Vũ Hải cùng đồng đội bí mật mật phục theo dõi “nhất cử nhất động” chung quanh căn nhà. Vòng vây càng khép chặt và kẻ giết người bị tóm gọn. Với các chiến sĩ thì “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, dù đối tượng có “trốn lâu, trốn kỹ” bao nhiêu.

Nghề truy nã tội phạm ảnh 1

Số cổ vật tội phạm truy nã Nguyễn Ngọc Đương cùng đồng bọn trộm cắp bị công an thu giữ. Ảnh trong bài | NGUYỄN QUÂN

Lấy nhân tâm thu phục

Vận động đối tượng truy nã ra đầu thú gian nan không kém. Đại tá Ngọc chia sẻ, vận động đầu thú giảm bớt công sức truy bắt, lại tạo cơ hội cho đối tượng được hưởng khoan hồng của Đảng và Nhà nước, sớm có cơ hội làm lại cuộc đời nên phải ưu tiên hàng đầu. Đối tượng truy nã, đặc biệt là những tên có khung hình phạt cao và người thân hiếm khi chịu hợp tác ngay, thậm chí còn mù quáng bao che, trong khi đó, để gây dựng lòng tin không thể một sớm, một chiều. Nắm bắt tâm lý kẻ nào lẩn trốn cũng canh cánh nỗi nhớ nhà, khát khao trở về quê hương, cán bộ tìm hiểu kỹ hoàn cảnh gia đình, tranh thủ những người có uy tín tác động, kiên trì giải thích rõ cái lợi của con đường “quay đầu lại là bờ”. Nhân tâm thu phục lòng người, thức tỉnh lương tri, xóa tan lấn cấn, do dự, ngộ ra lẽ phải, tình nguyện ra đầu thú. Rồi những lá thư kêu gọi đầu thú cô đọng mà sâu sắc khơi gợi tính thiện, khuất phục tội phạm ăn năn hối cải. Lần vận động đối tượng Nguyễn Tiến Dũng ở Trần Đăng Ninh (TP Nam Định) ra đầu thú là cả kỳ công. Trong một phút “cả giận mất khôn”, ngày 21-2-2015, Dũng gây án giết người rồi bỏ trốn. Đại úy Nguyễn Văn Bình kiên trì tới nhà vận động bố mẹ và vợ đưa hắn ra đầu thú. Qua tiếp xúc, Đại úy Bình nắm bắt được suy nghĩ mọi người đã biết nơi lẩn trốn và thâm tâm đều mong Dũng trở về. Anh Bình lựa lời khuyên giải, phân tích nếu không ra đầu thú có ngày sẽ bị bắt và đồng bọn sẽ đổ hết tội. Đúng theo dự đoán, ngày 26-6-2015, Dũng ra đầu thú, chấm dứt chuỗi ngày trốn chui lủi, nơm nớp lo sợ.

Giở tập hồ sơ, Trưởng phòng Nguyễn Ích Ngọc nhẩm tính, 10 năm qua toàn tỉnh đã bắt, vận động đầu thú gần 2.200 đối tượng, nhưng vẫn còn hơn 200 đối tượng nhởn nhơ ngoài vòng vây pháp luật. Thêm một đối tượng bị bắt hay ra đầu thú là bớt đi một mối nguy hiểm cho xã hội, bởi vậy, các trinh sát lại tiếp tục dấn thân lên đường vì cuộc sống bình yên.

Phá án đôi khi còn có yếu tố ăn may chứ bắt tội phạm truy nã phải chủ động 100% mới chắc thắng.

Vận động đầu thú giảm bớt công sức truy bắt, lại tạo cơ hội cho đối tượng được hưởng khoan hồng của Đảng và Nhà nước, sớm có cơ hội làm lại cuộc đời nên phải ưu tiên hàng đầu.