Từ giữa năm học 2018-2019, Trường tiểu học Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã được trang bị phòng máy tính và phòng học tiếng Anh với đủ máy móc, thiết bị tiêu chuẩn để chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (từ năm học 2020-2021). Đây sẽ là hai môn học bắt buộc dành cho học sinh tiểu học, cùng với các môn học khác nhằm tăng cường kiến thức phục vụ đời sống, cuộc sống hằng ngày của học sinh. “Các con có thể áp dụng những gì đã học vào thực tế hằng ngày, với phương châm học để biết, học để làm, học để chung sống”- Hiệu trưởng Trần Thị Bích Liên chia sẻ.

Không chỉ riêng Trường tiểu học Trần Quốc Toản, nhiều trường khác trên địa bàn Hà Nội và cả nước đang ráo riết chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý… để đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Chương trình này sẽ được triển khai từ năm học 2020 – 2021, bắt đầu với lớp 1 ở cấp tiểu học, “cuốn chiếu” trong các năm học tiếp theo với các lớp còn lại, hoàn thành đổi mới chương trình ở các lớp tiểu học vào năm 2025.

Những quan điểm, nội dung, phương pháp giáo dục từ chương trình GDPT mới chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của nhà trường tiểu học Việt Nam trong thời gian tới, vừa mở ra cơ hội hướng tới xây dựng một nền giáo dục tiểu học tiên tiến, hiện đại và hội nhập, đồng thời cũng đặt cấp học nền tảng này đứng trước những thách thức không nhỏ về cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ, công tác quản lý,…


Theo chương trình hiện hành đã áp dụng hơn 20 năm nay, cấp tiểu học có 11 môn học và được thiết kế thực hiện dạy học một buổi/ngày. Riêng Ngoại ngữ (Tiếng Anh) và Tin học, đối với lớp 1 và 2 yêu cầu mức độ làm quen, còn đối với lớp 3, 4, 5 là môn học tự chọn và chỉ thực hiện ở nơi nào có nhu cầu và có đủ điều kiện thực hiện.

TS Thái Văn Tài, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, mặc dù chương trình hiện hành được thiết kế cho thực hiện dạy học một buổi/ngày nhưng trên thực tế, toàn quốc đang có khoảng 80% số trường tổ chức dạy hai buổi/ngày. Rất nhiều địa phương thực hiện dạy học hai buổi /ngày, tức 9 buổi/tuần, đạt kết quả cao như: Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bến Tre, Hậu Giang...


Đối với hai môn tự chọn là Ngoại ngữ (tiếng Anh) và Tin học, dựa vào xu thế phát triển của xã hội và nhu cầu mong muốn của người học (học sinh và phụ huynh) thì hai môn này hiện nay từ lớp 3 đến lớp 5 đang có trên 86% số học sinh được học.

"Tiểu học, không cần phải bàn cãi gì nữa, là cấp đào tạo chính để cung cấp nền giáo dục cơ bản mà mọi trẻ em có quyền được hưởng " (UNESCO)

"Tiểu học - cấp học có vị trí trọng yếu, là cấp học nền tảng của hệ thống giáo dục phổ thông; là cấp học đặt cơ sở vững chắc cho sự phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam XHCN…" (Luật Phổ cập giáo dục Tiểu học Việt Nam)

Vì vậy, quan điểm xây dựng Chương trình mới là hướng tới khoảng 80% số trường đã dạy hai buổi/tuần và khắc phục khó khăn đối với 20% còn lại. Từ năm 2017, Bộ trưởng GD-ĐT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18-6-2018 về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện, khẳng định rất rõ trách nhiệm của các địa phương trong việc rà soát, đánh giá lại điều kiện cơ sở vật chất hiện có để bảo đảm điều kiện thực hiện Chương trình mới.

Để thực hiện được quy định của Chương trình mới, bảo đảm cho con em địa phương không thiệt thòi so với học sinh những nơi khác, các địa phương thực hiện giải pháp như: Xây dựng Kế hoạch cụ thể chi tiết theo lộ trình để thực hiện có hiệu quả Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29-10-2018; Cân đối quỹ đất, kinh phí để mỗi năm theo lộ trình thực hiện dứt điểm việc dạy học hai buổi/ngày ở một lớp học theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông như quy định.

So sánh kế hoạch giáo dục của chương trình giáo dục tiểu học hiện hành và Chương trình GDPT mới:

- Chương trình GDPT mới ít môn học hơn do thực hiện chủ trương tích hợp cao ở các lớp dưới. Có thêm hai môn học mới là Ngoại ngữ 1; Tin học và Công nghệ.

- Chương trình học hai buổi/ngày, do đó số tiết học trong một năm học đều tăng nhẹ. Mục tiêu của hoạt động dạy học hai buổi/ngày là tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt là tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm; đáp ứng yêu cầu quản lý và giáo dục học sinh của gia đình và xã hội; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp tiểu học.

Giải thích hai điểm thay đổi căn bản trong Chương trình GDPT mới - về môn học và cách thức tổ chức dạy học- TS Thái Văn Tài cho biết: Có hai môn học được gọi là môn học mới: Ngoại ngữ và Tin học và Công nghệ, nhưng thực tế hai môn này đã hiện diện trong chương trình hiện hành. Trước đây đó là môn tự chọn nhưng trong chương trình mới từ lớp 3-5 sẽ là môn bắt buộc. “Đây cũng là xu thế tất yếu” – TS Thái Văn Tài nhận xét.

"Có thể thấy là những cơ sở giáo dục bố trí dạy học được 6 buổi/tuần thì đều có thể thực hiện được đầy đủ chương trình. Các cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện dạy học hai buổi/ngày sẽ thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, dự kiến trong đầu quý II năm 2019, Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết nội dung này, lúc đó các địa phương sẽ lên kế hoạch tập huấn cụ thể cho các trường thực hiện. Tuy nhiên cũng phải khẳng định Chương trình GDPT mới là chương trình mở, theo đó địa phương, nhà trường, giáo viên có nhiều quyền và trách nhiệm hơn trong quá trình phát triển, triển khai chương trình giáo dục cho phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn. Điều này đòi hỏi mỗi nhà trường phải đổi mới nhiều trong hoạt động quản lý chuyên môn, phát triển chương trình giáo dục đến từng cấp, từng khối lớp, từng lớp, thậm chí từng nhóm đối tượng học sinh, từng học sinh. Để bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất, Bộ GD-ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025 theo Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29-10-2018 với mục tiêu: Bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa" - TS Thái Văn Tài nhấn mạnh.

Trong thời gian qua, hình thức tổ chức giáo dục trong GDPT ở nước ta chủ yếu là dạy học trên lớp, chưa coi trọng việc tổ chức các hoạt động xã hội, hoạt động trải nghiệm. Phương pháp giáo dục nhìn chung còn lạc hậu, chưa chú trọng dạy cách học và phát huy tính chủ động, khả năng sáng tạo của học sinh.

Đặc điểm chung của các phương pháp giáo dục được áp dụng trong Chương trình GDPT mới là tích cực hoá hoạt động của người học, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được để phát triển.

Chương trình xây dựng theo định hướng mở, phát huy tính tự chủ của nhà trường, bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.

Chương trình GDPT mới ở cấp tiểu học thực hiện dạy học hai buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết không quá 35 phút.

Ở cấp tiểu học, Chương trình GDPT mới tiếp tục xây dựng một số môn học có tính tích hợp trên cơ sở phát triển các môn học tích hợp đã có như: Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học. Ngoài ra ở tiểu học còn có một Hoạt động giáo dục (HĐGD) tích hợp là Hoạt động trải nghiệm.

Kế hoạch dạy học ở cấp tiểu học khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới:

Các môn học và HĐGD bắt buộc:

1. Tiếng Việt 6. Lịch sử và Địa lý (Lớp 4,5)
2. Toán 7. Khoa học (Lớp 4,5)
3. Đạo đức 8. Tin học và Công nghệ (Lớp 3,4,5)
4. Ngoại ngữ 1 (Lớp 3,4,5) 9. Giáo dục thể chất
5. Tự nhiên và xã hội (Lớp 1,2,3) 10. Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật) và
Hoạt động trải nghiệm

Nội dung môn học Giáo dục thể chất và Hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Các môn học tự chọn (dạy ở những nơi có đủ điều kiện dạy học và phụ huynh học sinh có nguyện vọng): Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1 (dạy ở lớp 1, lớp 2).

Năm học 2020-2021 Chương trình GDPT mới sẽ bắt đầu triển khai ở lớp 1. Bộ GD-ĐT chỉ ra nhưng công tác các địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện:

Thứ nhất là cần tăng cường công tác phổ biến tuyên truyền để hiểu được chương trình, phân tích được thực trạng, điều kiện thực tiễn của địa phương để có kế hoạch chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình mới một cách chủ động vfa hiệu quả theo lộ trình.

Thứ hai, Cần đưa ra lộ trình đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm để thực hiện chương trình. Đối với các địa phương thì cần đánh giá cụ thể chi tiết để đưa ra lộ trình đầu tư ưu tiên trước mắt cho lớp 1 để tổ chức học hai buổi/ngày với điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu. Từ đó đánh giá, rút kinh nghiệm và có lộ trình cho thực hiện các lớp tiếp theo.

Nguyên nhân một số địa phương chưa tổ chức được cho học sinh học hai buổi/ngày là khó khăn về quỹ đất, kinh phí và điều kiện sống của người dân. Để thực hiện được quy định của chương trình mới, bảo đảm cho con em địa phương không thiệt thòi so với học sinh những nơi khác, các địa phương thực hiện giải pháp sau: Cân đối quỹ đất, kinh phí để mỗi năm theo lộ trình thực hiện dứt điểm việc dạy học hai buổi/ngày ở một lớp học theo lộ trình đổi mới chương trình, SGK phổ thông như quy định tại Nghị quyết 51 của Quốc hội: năm học 2020 – 2021 ở lớp 1; năm học 2021 – 2022 ở lớp 2; năm học 2022 – 2023 ở lớp 3; năm học 2023 – 2024 ở lớp 4; năm học 2024 – 2025 ở lớp 5. Tuy nhiên, có thể thấy là những cơ sở giáo dục bố trí dạy học được 6 buổi/tuần thì đều có thể thực hiện được đầy đủ chương trình. Các cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện dạy học hai buổi/ngày thực hiện kết hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Thứ ba, về đội ngũ, theo chương trình hiện hành, môn Ngoại ngữ và Tin học là môn tự chọn nên nhiều địa phương chưa quan tâm đến hai môn học này. Khi trở thành môn bắt buộc trong Chương trình mới theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT thì các địa phương sẽ có căn cứ pháp lý vững chắc xây dựng các phương án bổ sung định biên cho hai môn Tin học và Ngoại ngữ vào đề án bố trí việc làm đối với các trường tiểu học, từ đó xây dựng lộ trình xét tuyển giáo viên đủ nhu cầu và yêu cầu công việc.

Thứ tư: Hiện nay, toàn quốc có gần 400 nghìn giáo viên cấp tiểu học. Tuy nhiên, tỷ lệ giáo viên hợp đồng, chưa được xét tuyển chính thức chiếm trên dưới 10%. Các địa phương trong thẩm quyền trách nhiệm của mình, cần chỉ đạo lên phương án tuyển dụng kịp thời số lượng giáo viên đủ các môn học và theo định mức quy định để giáo viên yên tâm công tác.

Bộ GD-ĐT cho biết đã có lộ trình cụ thể cho việc thực hiện Chương trình GDPT mới đối với cấp tiểu học, từ việc biên soạn sách giáo khoa, công tác tập huấn đội ngũ giáo viên cốt cán và giáo viên đại trà, 100% giáo viên giảng dạy lớp 1 vào năm học 2020-2021 sẽ được tập huấn kỹ lưỡng về chương trình để tạo tâm thế tốt nhất cho các thầy cô. Đối với công tác chuyên môn, Bộ GD-ĐT sẽ sớm có văn bản hướng dẫn chi tiết, như hướng dẫn thực hiện học hai buổi/ngày để các địa phương có thời gian nghiên cứu và chuẩn bị.

Vấn đề đánh giá học sinh, đổi mới phương pháp dạy học sẽ được tăng cường tập huấn, chỉ đạo triển khai trong thời gian tới. Về đổi mới phương pháp dạy học cũng như những điều kiện về chuyên môn, thì đa số giáo viên đã được làm quen với đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá theo tiếp cận chương trình mới, đa số giáo viên ở cấp tiểu học hiện nay đã sẵn sàng cho tiếp cận chương trình mới.

“Với sự chuẩn bị như vậy, nếu chúng ta thực hiện bài bản, đúng lộ trình và được các địa phương ủng hộ, tôi tin tưởng rằng việc thực hiện Chương trình GDPT mới đối với cấp tiểu học đội ngũ giáo viên của chúng ta sẽ thực hiện tốt” – TS Thái Văn Tài khẳng định.