Rộn ràng chờ đón Tết

Thông thường, sau Tết Dương lịch, là mọi người đã bắt đầu xắn tay vào chuẩn bị cho cái Tết Nguyên đán. Những việc cần phải có thời gian được ưu tiên làm trước, thường là tự chuẩn bị trước các món mứt tết. Thời bao cấp, nhà nào cũng nghèo, nên ngoài những hộp mứt được mua theo tiêu chuẩn cơ quan, mỗi nhà thường cố gắng làm một hoặc hai loại mứt ưa chuộng của riêng gia đình mình, vừa để tiếp khách cho xôm tụ, vừa có cái cho con trẻ nhâm nhi.

Những ai thuộc thế hệ 7, 8x ở Hà Nội có lẽ vẫn nhớ món mứt táo, mứt khế hoặc mứt quất, ba loại mứt truyền thống trong các gia đình thời những năm 80, 90. Công thức hồi đó đơn giản, thường là hoa quả châm hoặc khía, ngâm nước vôi trong cho giòn rồi ngào đường, với nguyên liệu là những thứ có thể mua được dễ dàng ngoài chợ hoặc cửa hàng thực phẩm. Táo thường là táo chua, quả dài, ở độ căng đầy nhất, đầu quả hơi ửng vàng, vừa đủ độ ngọt nhẹ, cũng vừa đủ độ chua “dôn dốt” để quyện với lớp đường keo của mứt sau này. Không ai làm táo ngọt, quả tròn, nhiều bột mà độ ngọt cộng hưởng với đường không thể hấp dẫn được bằng vị chua thanh của quả táo chín tới. Khế cắt miếng theo từng cánh, còn quất thì khía năm đường dọc quả để sao cho khi ấn bẹp quả quất xuống sẽ tạo thành hình bông hoa năm cánh.

Táo mang về, lấy cây tăm hoặc đuôi của chiếc cặp tăm, châm cho kín chung quanh quả táo, có nhà thì khứa táo theo đường xoắn, nhưng cách này dễ bị nát miếng mứt. Sau công đoạn châm quả là ngâm nước vôi trong cho giòn miếng mứt, vào xào với đường rồi đem phơi trong những ngày nắng ít ỏi của mùa đông cho khô săn quả mứt lại là có thành phẩm.

Mứt gừng cũng là thứ được nhiều người ưa thích và chuẩn bị cho cái Tết của nhà mình. Trời lạnh, bưng chén trà nóng hít hà và nhấm từng miếng mứt gừng cay thơm ngọt nhè nhẹ, thấy thời gian như ngừng lại.

| Đến hẹn lại lên, chị em xúng xính áo dài khoe dáng đông nghịt giữa vườn đào Nhật Tân

Một công việc nữa cần phải có thời gian chuẩn bị là “úm” củ hoa thủy tiên. Trước Tết Nguyên đán khoảng hơn một tháng, người ta đi mua củ về, bóc sạch lớp vỏ khô bên ngoài và cắt gọt phần đế dày, khoét sạch lớp lõi đế bên trong để rễ củ có thể chui ra dễ dàng hơn. Người thì kiếm cát ủ củ, người thì ngâm trực tiếp trong nước, ban ngày mang ra ngoài phơi nắng cho lá và mầm lên khỏe. Những ngày rét đậm, có nhà cầu kỳ còn đem củ vào trong nhà ủ bằng bóng đèn điện. Củ thì gọt cho vòi hoa nhú ra dễ dàng hơn, cầu kỳ hơn thì thì tỉa lá sao cho từng lớp lá cong như những chiếc móng rồng, vòi hoa uốn lượn theo từng kiểu dáng. Phải căn sao cho hoa nở đúng dịp Tết, cầu kỳ hơn nữa thì hoa nở vào đúng giao thừa hoặc sáng mùng 1 Tết.

Những ngày cận Tết

| Gói bánh chưng, bánh tét đã trở thành một tập quán văn hoá cổ truyền của người dân Việt trong mỗi dịp đất trời giao mùa

Một trong những việc chiếm nhiều thời gian và được coi là quan trọng nhất của cả quá trình chuẩn bị Tết, không gì khác ngoài gói bánh chưng. Thời hiện đại, dịch vụ sẵn, muốn bánh chưng loại gì, nhân gì đều có những nơi đáp ứng nhu cầu của khách hàng, từ bình dân đến cao cấp. Nhưng không ai là không thương nhớ cái cảm giác ngày xưa cùng mẹ đi chợ chọn từng tàu lá gói bánh chưng, lá phải xanh mướt, không non không già, gói bánh vuông vắn không rách. Gạo nếp trắng tinh, ngâm và vo hàng chục lần. Đỗ xanh, thời chưa có đỗ tách vỏ sẵn như bây giờ, phải ngâm qua đêm rồi đãi vỏ còng cả lưng trong cái giá rét buốt cóng của mùa đông miền bắc. Đãi rồi nhặt cho thật sạch, không còn một mảnh vỏ đỗ nào, rồi cho lên chõ đồ như đồ xôi, nhà nào thích đậm đà thì dặm thêm vài hạt muối. Rồi khi đỗ chín, bở tung, vàng ươm, nóng bỏng tay, là xới ra vo thành từng nắm chắc và nặng tay. Phải nắm đỗ từ lúc nóng thì viên đỗ mới chắc. Thịt lợn ngon, thường là thịt mông hoặc ba chỉ, có phần mỡ, nạc và bì, ướp với hạt tiêu xay, mắm ngon.

Gói bánh chưng tùy theo tay người gói. Có người quen gói thẳng, có người lại cần dùng khuôn để chiếc bánh thật vuông thành sắc cạnh. Bánh bên trong gói mặt trong của lá, nhưng riêng lớp bên ngoài lại lật mặt trong ra, để bánh được xanh.

Luộc bánh chưng là cả một kỷ niệm thương nhớ của những ai ở thế hệ 7x, 8x. Hồi đó nghèo khó, thường là cả khu tập thể chung nhau một nồi bánh. Bánh được luộc bằng củi, cũng là tự đi kiếm từ gỗ thải, giát giường, bàn ghế cũ, cốp pha cũ… Đêm mùa đông rét mướt, ở một góc sân nào đó, nồi bánh chưng lục bục sôi, hơi bốc nghi ngút ấm sực. Bọn trẻ con xúm chung quanh, vùi bắp ngô, củ khoai và thấy thứ đồ nướng ké đó ăn thơm ngon hơn bất kỳ thứ quà vặt nào khác trên đời. Có nhà đông trẻ, còn gói kèm cho bọn nhỏ vài cái bánh chưng con con, và nhà nào cũng dùng một thứ gì đó để đánh dấu cho khỏi lẫn, có thể là sợi len, hoặc đôi ba sợi lạt…

Vui nhất là lúc vớt bánh chưng. Cả khu rộn ràng, náo nhiệt. Đánh dấu, phân chia, hồi hộp chờ đợi và háo hức nhất vẫn luôn là bọn trẻ con hóng phần bánh chưng bé tí xíu của mình. Bánh chưng nóng hôi hổi, bốc hơi nghi ngút vừa vớt ra khỏi nồi, nhưng chưa thể ăn ngay được mà còn phải qua một thủ tục nữa là ép chặt cho róc hết nước và đứng bánh. Chiếc bánh đầu tiên bao giờ cũng ngon nhất, nếp rền, đỗ mịn quyện với vị béo ngậy đậm đà của miếng thịt ngấm mắm ngon và tiêu cay, vừa ăn vừa xuýt xoa hít hà trong cái không khí giá lạnh cuối đông, chớm hây hẩy mưa xuân.

Xong bánh chưng là có thể yên tâm chờ đón Tết. Nhà nào siêng thì gói thêm cân giò xào, ủ hũ hành muối, phơi ít hạt bí rồi rang thơm lên.

Chuẩn bị xong đồ ăn, là mọi người có thể ung dung dọn dẹp nhà cửa, nhà nào khá thì lọc bớt quần áo cũ để “sang tên”, nhà nào khó thì sửa đồ của con chị, thằng anh, may lại cho đứa em… Lau chùi đồ nhà bếp sạch sẽ, khua sạch các xó xỉnh để chuẩn bị “cúng Thần bếp”, ngày Ông Công Ông Táo chầu trời.

Ngày 23 tháng Chạp là ngày quan trọng trong năm, chỉ sau ba ngày Tết. Trước khi cúng, nhà nào cũng dọn dẹp sạch sẽ gian bếp, bày đồ lễ gồm hương hoa, tiền vàng, trái cây, một vài hộp bánh kẹo, nhà nào khá hơn thì đĩa xôi, xưa là cá chép giấy. Bây giờ cuộc sống khấm khá lên, ai cũng cố sắm cho một chậu cá chép đỏ bơi tung tăng đặt cạnh mâm lễ. Mâm đồ lễ không chỉ gửi gắm tấm lòng thành cho “người truyền tin” báo cáo về một năm qua, mà còn là những ước vọng cho một năm mới khấm khá hơn… Cá chép cúng xong thì đem thả xuống ao, hồ gần nhà.

Chợ hoa Tết

| Cắm cành hoa đào hay bày một cây đào trong nhà mỗi dịp Tết đến xuân về là phong tục truyền thống của người dân miền Bắc

Ngày xưa, nghèo mấy thì nghèo, trong nhà cũng cố sắm lấy một cành đào và nắm violet cùng một hai cành thược dược đỏ vàng cho có không khí Tết. Ngoài chợ hoa chính của Hà Nội là Hàng Lược ra thì hoa Tết còn được bán lẻ tẻ ở các chợ. Hoa thì phổ biến có đào, quất, violet tím, thược dược, hoa cúc bướm, ngoài ra còn có một vài chậu cúc magic tím, trắng hoặc hồng cho ai thích chưng chậu. Sau này, khi nền kinh tế mở cửa, nhiều loại hoa mới lạ được nhập khẩu. Chợ hoa Quảng An, Quảng Bá là “vương quốc hoa”, các đêm trong năm đã đông vui nhộn nhịp, ngày Tết càng đông đúc hơn.

Quan trọng nhất là chọn đào hoặc quất. Người Hà Nội xưa ưa đào bích, phải là đào Nhật Tân, sắc hoa thắm, cánh dày, hoa nở bung cánh như những lớp lụa màu hồng rực rỡ. Cũng có những người ưa sắc đào phai hồng nhẹ tinh tế, với lớp cánh mỏng manh.

Cành đào đẹp, theo quan niệm của thời đó là phải có tán bung xòe, tròn đều, hoa và nụ chi chít, lác đác đôi cụm lộc non xanh mướt. Đi trên đường, thi thoảng đôi chiếc xe đạp chở cành đào buộc sau xe, thấy như chở cả mùa xuân về nhà.

| Trong dịp tết người dân ra chợ hoa để chọn cho gia đình mình một chậu mai thật ưng ý

Cùng với đào, một chậu quất trong nhà luôn là thứ không thể thiếu mỗi dịp Tết đến của người Hà Nội. Trước khi các trào lưu chơi quất trong bình gốm Phù Lãng, hay bình sứ hình các con giáp của năm như bây giờ, người Hà Nội chỉ đơn giản trồng quất trong một cái chậu gốm nhỏ. Cây quất vừa phải, nhỏ xinh, tán tròn, chi chít quả vàng rực, điểm vài bông hoa cuối, lá bật lên màu xanh mướt tươi tắn đầy sức sống.

Đón Tết

Tết giống như cái chấm của một dấu chấm than vui vẻ hân hoan. Cả một tháng trời ai cũng bận rộn vội vã mua bán, dọn dẹp, chuẩn bị, giải quyết nốt công việc, trả nốt công nợ, họ hàng, người quen biếu tặng quà lẫn nhau, người cân miến kẻ con gà, hộp bánh… cũng đủ xôn xao. Thế nên mới có nhiều người than là khi Tết đến thì cảm giác đã hết Tết. Bởi vì Tết cũng là lúc con người không còn trạng thái bận rộn, đẩy mọi việc đi thật nhanh để vượt trước thời hạn là Tết.

Ngày bận rộn nhất của Tết là ngày 30. Nhà nào cũng vội vã vừa dọn dẹp, vừa chuẩn bị mâm cơm cúng tất niên và mâm lễ cúng ngoài trời. Mâm cỗ cúng gia tiên ngày cuối năm nếu đầy đủ thì phải có bốn bát, bốn đĩa hoặc sáu bát, sáu đĩa: gồm gà luộc, giò lụa, chả quế, giò xào, nem rán, canh măng, bát miến, canh bóng nấu tôm khô, nộm, xào hạnh nhân (gồm rau củ thái hình xúc xắc xào), dưa hành, dưa góp, đĩa rau sống, bánh chưng hoặc xôi và không thể thiếu bát nước mắm thả vài lát ớt cay cay đặt giữa mâm.

“Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”. Ngày Tết gia đình nào cũng cố gắng lo được mâm cỗ đầy đủ, tượng trưng cho hy vọng năm mới sẽ sung túc đủ đầy như mấy ngày Tết. Măng khô là măng lá hoặc măng lưỡi lợn, ninh luộc không biết bao nhiêu lần sao cho nước luộc thật trong, khi đó mới ninh măng cùng sườn hoặc chân giò, để bao nhiêu cái béo, cái ngọt từ xương ngấm hết vào măng.

Nếu như canh măng ngọt kiểu ngậy, béo, đầy đặn thì canh bóng thả lại rất thanh, với nước ninh từ tôm khô, mấy viên mọc bao nấm hương, vài lát cà rốt, su hào tỉa hoa và hoa lơ cắt mỏng, nước bật lên vị ngọt nhẹ mà không hề tanh tôm, cái ngọt của tôm khô, mọc và rau củ hòa quyện với nhau đủ để đánh bay cảm giác ngấy của thịt mỡ và đồ nếp ngày tết.

Mâm cỗ cúng tất niên thường được dâng lên tổ tiên với nghi thức trịnh trọng nhất. Ngày thường cúng giỗ có thể vắng người này người kia, nhưng mâm cơm tất niên thường có đông đủ cả nhà. Thế cho nên nhiều gia đình trẻ bây giờ mới có cảnh “chạy sô”, sáng nhà ngoại, chiều nhà nội hoặc ngược lại. “Vất vả vì ăn” nhưng không ai muốn vắng mặt ở bữa cơm đầm ấm cuối cùng trong năm.

| Lễ Phủ đầu năm cầu mong mọi điều tốt lành trong năm mới

Thời khắc giao thừa đến nhanh như một cơn gió. Bận bịu dọn dẹp, chuẩn bị sắp mâm cỗ, mâm lễ cúng ngoài trời, ngẩng mặt lên đã đến giao thừa. Ai nấy trong gia đình đều mặc bộ quần áo đẹp nhất, nghiêm trang cầu khấn tổ tiên trời đất phù hộ cho một năm mới an lành, nhiều may mắn. Lễ ở nhà xong là cùng nhau đi lễ chùa, xin một nhành lộc non tượng trưng để mang may mắn về nhà. Sau này, khi đất nước phát triển hơn, mỗi đêm giao thừa đều được ghi nhớ trong ký ức mọi người bằng ánh sáng rực rỡ của pháo hoa…

Tết dần qua…

Sáng mùng 1 có lẽ là khoảng thời gian yêu thích nhất của những người ưa tĩnh lặng. Phố xá vắng vẻ, yên bình, thời còn đốt pháo thì chỉ có xác pháo vương đỏ hồng trước vỉa hè mỗi ngôi nhà. Trong nhà, mùi hương trầm ấm sực, quyện với hương thơm thoang thoảng của giò thủy tiên, tạo nên một cảm giác vô cùng khác biệt của Tết. Có người thích đi chùa ngay đêm giao thừa, nhưng cũng có người thích vãn cảnh chùa vào sáng mùng 1 Tết, cảm giác mọi thứ đều vô cùng yên tĩnh, trong lành. Ngày mùng một cũng là ngày để mọi người đi chúc tết ông bà, cha mẹ. “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”.

| Xin chữ đầu năm

Ngày trước, những ngày đầu năm, nhiều gia đình có thói quen ra công viên Thống Nhất chụp ảnh. Từ cổng vào, công viên sở hữu một dãy đào cao lớn bung nở đẹp tuyệt vào mỗi mùa xuân, thành ra đây cũng là địa điểm chụp ảnh lý tưởng của nhiều người. Không giống như bây giờ, ai cũng sở hữu một chiếc điện thoại thông minh có thể tự chụp ảnh bất kỳ lúc nào, ngày xưa chỉ có chụp ảnh trả tiền, và cũng không ít bức ảnh bị hỏng nhưng chủ nhân vẫn vui vẻ cầm về còn người chụp thì không lấy tiền, bởi vì điều kiện để mua phim và rửa ảnh thời đó khá là khó khăn.

Những ngày Tết trôi dần đi, ngày xưa thì các nhà tranh thủ đi chúc Tết nhau, từ họ hàng, người thân, cho đến bạn bè, hàng xóm, qua nhà uống với nhau chén trà, cắn miếng hạt dưa đỏ tí tách, những câu chúc xôn xao từ ngoài ngõ… Đến ngày mùng 3 hoặc mùng 5 Tết, các nhà làm lễ cúng hóa vàng, tiễn ông bà tổ tiên.

Ngày nay, cuộc sống hiện đại cho phép người ta có nhiều lựa chọn hơn, đặc biệt là các gia đình trẻ, như đi du lịch trong nước hoặc nước ngoài, hoặc đơn giản hơn là tìm một trang trại hoặc một resort nào đó ở ngoại thành để cả gia đình trải qua một kỳ nghỉ Tết thoải mái. Dù đón Tết theo cách nào, thì những giá trị của Tết qua nhiều năm tháng, vẫn không hề thay đổi, và các thế hệ vẫn tiếp tục truyền cho nhau sự trân trọng và hào hứng đón những giá trị đó mỗi khi Tết đến, Xuân về.