IS: Từ Trung Đông tới toàn cầu


NDĐT – Tháng 6-2014, thế giới lần đầu tiên nghe đến cái tên "Nhà nước Hồi giáo" (IS) khi chúng chiếm đóng thành phố Mosul của Iraq và tuyên bố thành lập Đế chế Hồi giáo. Chỉ trong chưa đầy ba năm, từ một nhóm phiến quân hoạt động chủ yếu ở Trung Đông, IS đã vươn ra và trở thành mối đe dọa mang tính toàn cầu.

Đêm 10-6-2014, người dân thành phố Mosul nghe thấy hàng loạt tiếng nổ từ khu thành cổ ở bờ tây con sông Tigris chạy cắt ngang qua Mosul. Họ nhìn thấy hàng trăm tay súng, cả người Iraq lẫn người nước ngoài, vượt sông và chiếm lĩnh nhiều vị trí trong thành phố. Binh lính và cảnh sát Iraq, với số lượng vượt trội kẻ địch nhưng đã nhanh chóng bỏ chạy. Đó chính là ngày Mosul, thành phố lớn thứ hai ở Iraq với hơn hai triệu dân cư rơi vào tay các tay súng của nhóm khủng bố tự xưng là “Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và khu vực al-Sham/Levant” (ISIS).

Vài ngày sau đó, thủ lĩnh của ISIS, Abu Bakr al-Baghdadi đã bất ngờ xuất hiện ở Mosul, tuyên bố khôi phục Đế chế Hồi giáo (Caliphate, hay còn gọi là Vùng đất của Quốc vương Hồi giáo), tự xưng là Quốc vương Hồi giáo và và đổi tên ISIS thành "Nhà nước Hồi giáo" (IS).

Khắp khu vực phía bắc Iraq, quân đội Iraq đã sụp đổ ngay khi gặp phải trận tấn công của các tay súng IS. Chỉ trong vài ngày, IS đã chiếm được thị trấn Baiji và nhà máy lọc dầu khổng lồ ở dọc theo thung lũng sông Tigris và tiến tới chiếm giữ thị trấn Tikrit. Sau đó vài tháng, IS tiếp tục tấn công và chiếm đóng nhiều vùng đất rộng lớn ở phía bắc Iraq từ tay người Kurd. Trong và sau các cuộc tấn công, IS đã thảm sát hàng nghìn dân thường, nhiều phụ nữ và trẻ em bị bán và trao đổi như hàng hóa và bị biến thành nô lệ tình dục.

Những hành động khát máu, gây sốc của IS đã đạt đỉnh điểm vào cuối tháng 8-2014 khi chúng công bố một đoạn băng video trong đó tay súng IS Mohammed Emwazi chặt đầu phóng viên người Mỹ James Foley. Vài tuần sau đó, những video tương tự chiếu cảnh IS chặt đầu nhiều phóng viên và nhân viên nhân đạo người Anh và Mỹ cũng đã được IS phát tán rộng rãi. Bằng việc đăng tải các đoạn video này, IS muốn gieo rắc sự sợ hãi, khiếp đảm đến công chúng trên toàn thế giới.

IS cũng đã phá hủy nhiều công trình, di tích lịch sử, tôn giáo nổi tiếng trong đó có đền thờ Bel và Baalshamin ở Palmyra của Syria, các thành phố của người Assyria ở Hatra và Nimrud thuộc Iraq. Các nhà thờ Thiên chúa và thánh đường cổ, các giáo đường và lăng mộ của người Shi'ite cũng là mục tiêu bị phá hoại. Gần một tháng sau khi chiếm đóng Mosul, IS đã san bằng lăng mộ của Lãnh tụ Hồi giáo Awn al-Din có từ thế kỷ 13.

Tại các vùng lãnh thổ chiếm được, IS đã áp đặt những điều luật Hồi giáo Sharia hà khắc, tàn sát những người khác đạo, cấm âm nhạc, uống rượu, hút thuốc và buộc tín đồ phải cầu nguyện năm lần mỗi ngày theo luật Sharia. Hình phạt thường được IS sử dụng trong các vụ xét xử là chặt đầu, ném đá và đóng đinh đến chết.

Sự tàn bạo của IS khiến cả thế giới ghê sợ. Sự trỗi dậy đột ngột của chúng cũng khiến cả thế giới kinh ngạc. Tuy nhiên, trong thực tế IS đã bắt đầu hình thành từ rất lâu trước đó.

IS đã phá hủy nhiều di tích lịch sử, tôn giáo nổi tiếng
Tại các vùng lãnh thổ chiếm được, IS phá hủy nhiều công trình, di tích lịch sử, tôn giáo nổi tiếng trong đó có đền thờ bel và Baalshamin ở Palmyra của Syria, các thành phố của người Assyria ở Hatra và Nimrud thuộc Iraq. Các nhà thờ Thiên chúa và thánh đường cổ, các giáo đường và lăng mộ của người Shi'ite cũng là mục tiêu bị phá hoại.
IS phá hủy lăng mộ của Nhà tiên tri Jonah ở Mosul.
Các tay súng Mujahideen ở Afghanistan.
Musab al-Zarqawi, kẻ đã trực tiếp tạo ra IS.
Có thể nói, mầm mống sâu xa của IS bắt đầu từ những năm 1980, trong và sau cuộc chiến ở Afghanistan. Khi đó, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã đổ hàng trăm triệu USD cho các tay súng mujahedeen, những kẻ có quan hệ chặt chẽ với những lực lượng cực đoan Ả-rập, để chống lại quân đội Liên Xô. Nhờ kinh nghiệm có được trong cuộc chiến này, nhiều tay súng Hồi giáo cực đoan đã đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành của IS. Trong số đó, có thể kể đến Musab al-Zarqawi, một thủ lĩnh phiến quân người Jordan và cũng là chính kẻ đã trực tiếp tạo ra IS.

Từng bị kết án tù do buôn lậu ma túy và tấn công tình dục, Zarqawi đã trở thành một kẻ cuồng tín sau khi được gửi tới các lớp học trong một nhà thờ ở Amman, thủ đô Jordan. Năm 1989, hắn đã tới Pakistan để gia nhập lực lượng chống quân đội Liên Xô ở Afghanistan. Khi quay trở lại Jordan, Zarqawi đã bị kết án 15 năm tù với tội danh khủng bố, nhưng sau đó đã được trả tự do nhờ lệnh đặc xá. Năm 1999, Zarqari cuối cùng đã gặp Bin Laden và Ayman al-Zawahiri.

Sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001, quân đội Mỹ và đồng minh lật đổ chế độ Taliban ở Afghanistan và phát động "Cuộc chiến chống khủng bố" nhằm tiêu diệt mạng lưới al-Qaeda. Các cuộc tấn công đã buộc Bin Laden lui vào hoạt động bí mật, Zarqari và các thủ lĩnh al-Qaeda phải bỏ trốn. Năm 2003, lợi dụng tình hình hỗn loạn khi Mỹ đưa quân vào Iraq, Abu Musab Zarqawi thâm nhập vào Iraq, thành lập một nhóm vũ trang có tên là Tawhid wa al-Jihad và tổ chức hàng loạt các vụ tấn công chết chóc ở Iraq. Sau đó, Zarqawi đã tuyên thệ trung thành với Bin Laden và nhóm của hắn đã trở thành chi nhánh của al-Qaeda ở Iraq (AQI).

Năm 2006, khi Zarqawi bị tiêu diệt trong một đợt không kích của Mỹ, một thủ lĩnh người Ai Cập của nhóm có tên là Abu Ayyub al-Masri đã tiếp quản AQI và tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo tại Iraq (ISI). Sau khi thủ lĩnh của cả ISI và al-Qaeda bị tiêu diệt trong một trận tấn công của quân đội Mỹ năm 2010, một nhân vật mới, ít ai biết đến, đã nổi lên và thâu tóm cả hai vị trí. Nhân vật này là Ibrahim Awad al-Badri, hay còn được biết đến nhiều hơn với cái tên Abu Bakr al-Baghdadi.
Ibrahim Awwad Ibrahim al-Badri, thường được gọi dưới tên khác là Abu Bakr al-Baghdadi, sinh năm 1971 ở Samarra, Iraq, trong một gia đình theo đạo Hồi giáo dòng Sunni. Năm 1996, Baghdadi đã giành được bằng đại học về nghiên cứu Hồi giáo tại trường ĐH Baghdad. Sau đó, y tiếp tục lấy được bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ về nghiên cứu kinh Koran từ trường ĐH Nghiên cứu Hồi giáo Saddam lần lượt vào các năm 1999 và 2007.

Trong thời gian học nghiên cứu sinh, Baghdadi đã tham gia tổ chức Anh em Hồi giáo và dần ngả theo xu hướng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan Salafist. Năm 2003, Baghdadi đã thành lập một nhóm vũ trang lấy tên là Jaysh Ahl al-Sunnah wa al-Jamaah (Quân đội Nhân dân Sunnah và Đoàn kết Tôn giáo). Quân đội Mỹ đã bắt giữ Baghdadi ở Falluja vào tháng 2-2004 và gửi hắn tới giam giữ trong 10 tháng tại một nhà giam có tên là Trại Bucca.

Sau khi được thả, Baghdadi đã gia nhập mạng lưới khủng bố al-Qaeda ở Iraq (AQI) do Abu Musab al-Zarqawi lãnh đạo và Baghdadi nhanh chóng leo lên các chức vụ cao trong nhóm. Sau cái chết của người sáng lập ISI vào tháng 4-2010, Hội đồng Shura đã chọn Abu Bakr al-Baghdadi để trở thành vị Tiểu vương (emir) mới của nhóm.

Năm 2011, Baghdadi ra lệnh thành lập một chi nhánh bí mật của ISI ở Syria, sau này đã được biết đến với cái tên Mặt trận al-Nusra. Tuy nhiên, Baghdadi bất đồng với lãnh đạo của al-Nusra. Abu Mohammed al-Julani muốn hợp tác với các nhóm phiến quân Sunni khác để chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad, ngược lại Baghdadi lại muốn sử dụng vũ lực để thành lập vương quốc riêng của mình trước khi tiến hành cuộc chiến chống lại ông Assad.

Mùa xuân năm 2013, Baghdadi ra tuyên bố rằng al-Nusra là một phần của ISI và đổi tên ISI thành "Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và khu vực al-Sham/Levant (ISIS hay còn gọi là ISIL). Khi thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri ra lệnh cho Baghdadi để al-Nusra được tách ra hoạt động độc lập, Baghdadi đã từ chối và bị trục xuất khỏi al-Qaeda. Sau khi củng cố địa bàn của mình ở phía đông Syria, ISIS đã tấn công và chiếm lĩnh nhiều khu vực ở miền tây Iraq.

Nguồn thu nhập tài chính khổng lồ
Từ tháng 6-2014, IS đã chiếm đóng hàng loạt thị trấn và vùng lãnh thổ, nhờ đó thu được những nguồn tài chính và tài sản khổng lồ. Theo số liệu của Trung tâm nghiên cứu Trừng phạt và Tài chính bất hợp pháp, nguồn thu tài chính năm 2015 của IS có thể lên tới gần hai tỷ USD. Tuy nhiên, đến năm 2016 nguồn lợi nhuận này đã giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 870 triệu USD.

Được xem như một “tổ chức khủng bố có nguồn tài trợ tốt nhất” trong lịch sử, nguồn thu chính của IS đến từ việc bán dầu thô từ các mỏ dầu, buôn lậu tài sản, cổ vật chiếm được, cướp phá các ngân hàng trong các vùng lãnh thổ mà chúng chiếm đóng; các nguồn tài trợ từ các tổ chức và cá nhân; thu thuế và cưỡng đoạt tài sản, bắt cóc tống tiền; ... và một số nguồn thu khác.

Tuy nhiên, trong gần 2 năm qua, do những thất bại liên tiếp trên chiến trường khiến các vùng lãnh thổ mà chúng kiểm soát ngày càng bị thu hẹp, nguồn thu của tổ chức này trong ba năm qua đã giảm tới hơn 80%.

Nhóm Giám sát Xung đột thuộc IHS Markit cho biết, trong quý 2 năm 2017, mỗi tháng IS chỉ còn thu vào được khoảng 16 triệu USD, giảm một cách đáng kể so với mức 81 triệu USD một tháng trong cùng kỳ năm 2015. Các nhà phân tích cho biết, thu nhập hàng tháng từ dầu mỏ của IS giảm tới 88% từ năm 2015, trong khi thu nhập từ thu thuế và cưỡng đoạt của tổ chức này cũng đã giảm tới 79%.

Bốn tháng sau khi Đế chế Hồi giáo được thành lập, một nhóm phiến quân Lybia đã trở thành những kẻ đầu tiên cam kết trung thành với Baghdadi. Sau đó, đến lượt các tay súng của nhóm Ansar Beit al-Maqdis ở bán đảo Sinai của Ai Cập. Vòi bạch tuộc của IS đã vươn tới châu Phi vào tháng 3-2015 khi nhóm phiến quân Boko Haram ở Nigeria tuyên thệ trung thành với IS. Chỉ trong một năm, IS đã có chi nhánh hoặc liên minh ở 11 quốc gia, mặc dù chúng chỉ kiểm soát các vùng lãnh thổ ở năm quốc gia, trong đó có Syria và Iraq.

Nguồn thu tài chính của IS
Đồ họa: ĐỨC DUY, ĐĂNG PHI
Mặt khác, nhờ các biện pháp xây dựng lòng tin như thiết lập bộ máy công quyền và dân sự, trả lương cho binh lính và công nhân viên, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, IS đã chiêu mộ được hàng trăm nghìn binh sĩ Trung Đông cùng tham gia chiến đấu tại Iraq và Syria. Còn tại các nước phương Tây, IS đã cài cắm hàng trăm tuyển mộ viên ở khắp nơi nhằm tìm kiếm những thành viên mới qua mạng xã hội hoặc những người ủng hộ phong trào jihadi ở các quốc gia có ít người theo đạo Hồi. Những người được tuyển mộ phải trải qua một quá trình kiểm tra lòng trung thành, huấn luyện kỹ lưỡng kể cả về tư tưởng tôn giáo lẫn thể chất trước khi được tham gia chính thức vào mạng lưới của IS.
Sau khi chiếm được những vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq bằng các cuộc tấn công chớp nhoáng từ giữa năm 2014, IS hầu như không hề ngừng lại. Tổ chức này đã thực sự bước vào các cuộc xung đột với hầu hết các cường quốc trên thế giới.

Từ giữa năm 2014, sau khi đưa vào Iraq hàng trăm cố vấn và huấn luyện viên quân sự để trợ giúp cho quân đội Iraq, Mỹ đã cùng liên quân các nước như Australia, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Jordan, Hà Lan và UK cũng tiến hành hàng loạt vụ không kích vào các cứ điểm của IS ở Iraq và Syria. Tại Syria, IS đã chịu sức ép đáng kể từ giữa năm 2016, đặc biệt là ở Raqqa. Để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, Nga đã tiến hành nhiều cuộc không kích và bắn tên lửa vào các vị trí của các nhóm khủng bố.

Chỉ tính riêng tháng 12-2015, IS đã mất tổng cộng khoảng 2.500 tay súng. Cũng trong thời gian này, IS đã bị quét sạch khỏi tỉnh Diyala, khu vực Tikrit và thành phố Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar. Các chuyên gia ước tính, kể từ tháng 8-2014, đã có tổng cộng 15.000 tay súng IS bị tiêu diệt bởi các cuộc không kích.

So sánh khu vực mà IS kiểm soát năm 2014 và 2017.
Tháng 7-2017 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc chiến chống IS khi quân đội Iraq, sau chín tháng chiến đấu ác liệt, tuyên bố đã quét sạch các tay súng IS khỏi thành phố Mosul. Sau chiến thắng ở Mosul, các bên tham chiến tràn đầy hy vọng sẽ sớm giải phóng nốt các lãnh thổ còn lại khỏi tay IS.

Trước những thất bại liên tiếp trên mặt trận quân sự và mất đi phần lớn các vùng lãnh thổ chiếm đóng, IS đã tìm chuyển sang hoạt động du kích, tiến hành các hoạt động khủng bố xuyên quốc gia và mở rộng địa bàn sang những khu vực khác trên thế giới.

Mặc dù đã mất Mosul, nhưng IS hiện vẫn đang chiếm giữ Raqqa, một thành phố có vai trò quan trọng không kém Mosul đối với IS ở Syria, và nhiều vùng lãnh thổ khác bao gồm cả các khu vực vùng sâu, vùng xa ở Iraq. Trừ khi IS phải hứng chịu những thất bại mang tính hủy diệt, thì các cuộc chiến ở Raqqa và al-Qaim vẫn có thể kéo dài. Thậm chí ngay cả khi mất quyền kiểm soát ở Mosul và Raqqa, IS vẫn chưa thể bị xóa khỏi danh sách những tổ chức khủng bố. Những tàn dư của IS có thể sẽ rút vào hoạt động bí mật, tổ chức các vụ tấn công khủng bố reo rắc sợ hãi, tìm cách tập hợp lại sau một khoảng thời gian để chờ thời cơ trỗi dậy.

Một số vụ khủng bố mà IS đã tiến hành ở châu Âu, Mỹ và châu Á từ năm 2015 đến nay


Theo CNN, kể từ khi tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo vào tháng 6-2014 đến tháng 2-2017, IS đã chỉ đạo và "truyền cảm hứng" cho hơn 140 cuộc tấn công khủng bố tại 29 quốc gia ngoài Iraq và Syria, giết hại ít nhất 2.043 người và bị thương hàng nghìn người khác. Các vụ tấn công mang theo cùng một thông điệp trừng phạt, gây sợ hãi và khiêu khích.



Sau những vụ tấn công của IS ở khắp mọi nơi trên thế giới, giờ đây các nước đã nhận thức được nguy cơ khủng bố và triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn. Ngày 21-5-2017, tại Hội nghị thượng đỉnh Ả-rập - Hồi giáo - Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo của 55 quốc gia Hồi giáo đã nhất trí thành lập một trung tâm chống khủng bố tại Riyadh nhằm giám sát và chiến đấu chống khủng bố. Sau đó vài ngày, các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua Nghị quyết số 2354 về vấn đề chống khủng bố kêu gọi các quốc gia thành viên và toàn bộ hệ thống Liên hợp quốc áp dụng những biện pháp phù hợp luật pháp quốc tế để giải quyết các nguyên nhân thúc đẩy chủ nghĩa khủng bố.

Còn tại châu Âu, sau các vụ khủng bố ở London, Manchester, Anh và Pháp đã nhất trí tăng cường hợp tác chống khủng bố giữa hai nước, đặc biệt là tìm cách hạn chế việc tuyên truyền khủng bố trên mạng internet và kêu gọi các mạng xã hội ngăn chặn các nội dung tuyên truyền cho IS. Tại Hội nghị Shangri-La 2017, bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN cũng cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ hơn trong nỗ lực chống khủng bố.

  • Thủ lĩnh tối cao của IS Abu Bakr al-Baghdadi.
    dribbble witches
  • Các tay súng IS hành quyết các binh sĩ Iraq ở TP Tikrit. (Ảnh: AP)
    searing mountain illustration
  • Chiếc máy bay Nga bị IS đánh bom ở bán đảo Sinai (Ai Cập). (Ảnh: Getty Images)
    taipei fireworks
  • Tên đao phủ IS "Jihadi John" hành quyết các con tin phương Tây. (Ảnh: Skynews)
    coffee cup iphone newspaper
  • Phiến quân có liên hệ IS chiếm thị trấn Marawi của Philippines. (Ảnh: CNN)
    flying super squirrel
  • Binh sĩ Iraq ăn mừng chiến thắng tại thành phố Mosul. (Ảnh: Reuters).
    searing mountain illustration
  • Thành phố Mosul đổ nát sau những cuộc giao chiến.
    taipei fireworks
  • Binh lính Iraq bên ngoài thành phố Mosul ngày 28-10-2016.
    coffee cup iphone newspaper
  • Máy bay Su-24 của Nga ở Hmeymim chuẩn bị không kích IS ở Syria. (Ảnh: Reuters)
    flying super squirrel
Hưởng ứng những nỗ lực này, các mạng xã hội Facebook, Twitter tuyên bố sẽ loại bỏ nội dung cực đoan và khủng bố ra khỏi nền tảng truyền thông xã hội của mình. Còn trang video YouTube ngày 22-7 cũng đã bắt đầu chuyển hướng những người dùng tìm kiếm các nội dung “tuyên truyền cho IS” sang xem các đoạn video vạch trần các tội ác của chủ nghĩa khủng bố.

Rõ ràng, việc IS gặp nhiều thất bại trên chiến trường Trung Đông chưa phải là dấu chấm hết cho sự tồn tại của chúng. Không những thế, với những phương thức hoạt động mới tại những địa bàn mới, việc đối phó với các tay súng của IS đang trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Các cuộc không kích và tấn công trên bộ có thể giúp Iraq, Syria giải phóng Mosul, Raqqa và những vùng bị IS chiếm đóng khác, nhưng việc đối phó với những cuộc tấn công du kích chớp nhoáng, những vụ tấn công tự sát vào những khu đông dân cư ở các thành phố lớn của châu Âu, Mỹ sẽ không hề đơn giản.

Để đối phó nguy cơ này, các nước trên thế giới cần có sự phối hợp những nỗ lực chống khủng bố trên toàn cầu. Với quy mô những vụ tấn công đã xảy ra và nguy cơ về những vụ tấn công sắp tới, việc đưa ra một chiến lược xuyên biên giới để đối phó với mối đe dọa từ IS và những tổ chức khủng bố tương tự trong tương lai đã trở nên vô cùng cấp thiết.

Hội thảo về an ninh khu vực tại Đối thoại Shangri-la 2017 (Ảnh: ctgn.com)
Chỉ đạo nội dung: NGỌC THANH, HỒNG MINH
Thực hiện: NAM ĐÔNG, BÔNG MAI, HOÀNG HÀ
Kỹ thuật: PHAN ANH, MẠNH HÀ