Vùng Vịnh dậy sóng,
thiệt cả đôi bên


Ảnh chụp từ trên cao các tòa nhà cao tầng trong sương, tại Doha, Qatar, ngày 15-2-2014. (Ảnh: NewEurope)

NDĐT- Đã một tháng rưỡi trôi qua kể từ khi các nước A-rập tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao và đi lại với Qatar. Nguồn cơn sâu xa của cuộc khủng hoảng ngoại giao này vẫn chưa thực sự sáng tỏ với nhiều bình luận suy đoán khác nhau. Trong khi căng thẳng chưa có dấu hiệu chấm dứt sớm, những tác động tiêu cực mà cuộc khủng hoảng này gây ra là không hề nhỏ, không chỉ đối với riêng Qatar mà với cả các nước A-rập tẩy chay Qatar và thậm chí còn vượt ra khỏi cả khu vực vùng Vịnh.

Giọt nước tràn ly

Quan hệ giữa Qatar và các nước láng giếng vốn đã “cơm chẳng lành” trong nhiều năm. Những căng thẳng trong quan hệ ngoại giao bắt đầu bùng phát rõ vào tháng 3-2014, sau khi một công dân Qatar, Mahmoud al-Jaidah, bị phạt bảy năm tù tại Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), với tội danh hỗ trợ al-Islah, một hội chính trị Hồi giáo và được các công tố viên UAE coi là một chi nhánh của tổ chức Anh em Hồi giáo.

Hai ngày sau đó, 5-3-2014, A-rập Xê-út, UAE và Bahrain tạm ngừng quan hệ ngoại giao với Qatar, rút Đại sứ của các nước này tại Qatar về nước, liên quan đến cáo buộc nước này hỗ trợ cho tổ chức Anh em Hồi giáo, một nhóm bị A-rập Xê-út và UAE coi là “một tổ chức khủng bố”. Qatar bị cáo buộc phá vỡ thỏa thuận an ninh Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), không giữ cam kết của nước này về việc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên GCC và chứa chấp “truyền thông thù địch”, ám chỉ đến kênh truyền hình Al Jazeera có trụ ở tại Doha. Sau tám tháng quan hệ ngoại giao bị đóng băng, A-rập Xê-út, UAE và Bahrain nhất trí cử các Đại sứ của các nước này trở lại Qatar vào tháng 11-2014.

Quan hệ giữa Qatar và các nước láng giềng dậy sóng trở lại dữ dội hơn vào ngày 5-6-2017, khi A-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Bốn quốc gia A-rập cũng đã cắt đứt liên hệ đường bộ, đường không và đường biển với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ các nhóm khủng bố trong khu vực, can thiệp vào công việc nội bộ của họ và hỗ trợ các nhóm gây xói mòn ổn định chính trị.

A-rập Xê-út, UAE và Bahrain cũng yêu cầu các công dân Qatar rời ba nước này trong vòng 14 ngày. Trong khi đó, các công dân của A-rập Xê-út, UAE và Bahrain cũng bị cấm tới Qatar, cư trú hay trung chuyển qua đó. Các cư dân và khách du lịch của những quốc gia này cũng phải rời Qatar trong vòng 14 ngày. Chỉ Ai Cập chưa quyết định có trục xuất công dân Qatar hay yêu cầu các công dân nước mình về nước hay không. A-rập Xê-út cũng trục xuất Qatar khỏi liên minh do nước này đứng đầu trong cuộc chiến tại Yemen.

Bộ Ngoại giao Qatar phản ứng lại bằng việc cho biết không có lý do gì cho việc cắt đứt quan hệ giữa Qatar và các nước. Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed Bin Abdulrahman Al-Thani đã lên án các biện pháp trừng phạt chống lại Qatar là “không công bằng” và “bất hợp pháp”.

Quan hệ ngoại giao trắc trở giữa Qatar và bốn nước A-rập
3-3-2014
Một công dân Qatar, Mahmoud al-Jaidah, bị phạt bảy năm tù tại UAE, với tội danh hỗ trợ al-Islah, một hội chính trị Hồi giáo và được các công tố viên UAE coi là một chi nhánh của tổ chức Anh em Hồi giáo.
5-3-2014
A-rập Xê-út, UAE và Bahrain tạm ngừng quan hệ ngoại giao với Qatar liên quan đến cáo buộc nước này hỗ trợ cho tổ chức Anh em Hồi giáo, phá vỡ thỏa thuận an ninh Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và chứa chấp “truyền thông thù địch”.
11-2014
A-rập Xê-út, UAE và Bahrain nhất trí cử các Đại sứ của các nước này trở lại Qatar sau tám tháng quan hệ căng thẳng và đóng băng giữa ba nước này với Qatar.
5-6-2017
Bahrain, UAE, A-rập Xê-út và Ai Cập tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao và đi lại với Qatar. Bộ Ngoại giao Qatar phản ứng lại bằng việc cho biết không có lý do gì cho việc cắt đứt quan hệ.
9-6-2017
A-rập Xê-út, UAE, Bahrain và Ai Cập đã liệt 59 cá nhân và 12 tổ chức vào danh sách khủng bố, trong đó có 18 công dân Qatar. Qatar đã bác bỏ danh sách này là những cáo buộc “vô căn cứ”.
12-6-2017
Bộ trưởng Ngoại giao Qatar lên án các biện pháp trừng phạt chống lại Qatar là “không công bằng” và “bất hợp pháp”.
22-6-2017
A-rập Xê-út, UAE, Bahrain và Ai Cập đã gửi một danh sách gồm 13 yêu sách tới Qatar, yêu cầu nước này hồi đáp trong vòng 10 ngày.
1-7-2017
Qatar nói những yêu sách “được đưa ra là để bị bác bỏ”.
3-7-2017
A-rập Xê-út, UAE, Bahrain và Ai Cập đã gia hạn thời gian hồi đáp các yêu sách cho Qatar thêm 48 giờ. Cùng ngày, Qatar đã chuyển hồi đáp của nước này tới Quốc vương Kuwait nhưng không tiết lộ nội dung hồi đáp.
10-7-2017
Ngoại trưởng Mỹ công du tới vùng Vịnh và tổ chức các cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao các nước Kuwait, Qatar, A-rập Xê-út, UAE, Bahrain và Ai Cập. Không có giải pháp đột phá nào đạt được nhằm giải quyết căng thẳng.
14-7-2017
Bộ trưởng Ngoại giao UAE viết trên tài khoản Facebook chính thức rằng cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và bốn nước sẽ tiếp tục kéo dài.
17-7-2017
Bộ Ngoại giao Ai Cập thông báo ngừng miễn thị thực cho công dân Qatar.
Các kệ hàng gần như trống trơn tại một cửa hàng tạp hóa ở Doha, Qatar, ngày 6-6. (Ảnh: ABS-CBN)

Ảnh hưởng tức thì

Người dân Qatar đến các cửa hàng mua đồ dự trữ sau khi A-rập Xê-út đóng cửa biên giới nước này tới Qatar (Ảnh: RT)
Tác động của các biện pháp trừng phạt ngày 5-6 đối với Qatar đã ngay lập tức hiện rõ. Những người dân hoang mang lao đến các cửa hàng tạp hóa để tích trữ các món thực phẩm thiết yếu khi hàng trăm xe tài vận chuyển lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng bị chặn không được phép vào Qatar từ A-rập Xê-út. Thị trường chứng khoán của Qatar đã giảm hơn 7% trong ngày 5-6, mặc dù đã phục hồi phần nào trong ngày 6-6.

Các chuyến bay bị trì hoãn tại sân bay quốc tế Hamad của Qatar, sân bay đóng vai trò như là một trung tâm trung chuyển lớn cho 37 triệu hành khách mỗi năm, phần lớn giữa châu Âu và châu Á. Hãng hàng không hàng đầu Qatar, Qatar Airways, đã buộc phải thay đổi lộ trình các chuyến bay tới châu Âu qua không phận của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi A-rập Xê-út và Ai Cập cấm các chuyến bay của Qatar sử dụng không phận của các nước này. Hãng hàng không này cũng ngừng các chuyến bay của hãng tới bốn nước A-rập nhằm đáp trả lại các hãng hàng không của UAE Etihad, FlyDubai, Emirates, của Ai Cập EgytAir và của Bahrain Gulf Air tạm ngừng các chuyến bay tới Qatar.

Người dân Qatar kéo đến các cửa hàng, siêu thị để mua đồ tích trữ. (Video: RT)

Trong những ngày đầu sau khi xảy ra khủng hoảng ngoại giao, những lĩnh vực kinh tế của Qatar bị ảnh hưởng rõ rệt nhất là: vận tải đường biển, hàng không, lương thực thực phẩm, ngân hàng và chứng khoán. Qatar là quốc gia nhập khẩu rất lớn, đặc biệt là hàng hóa dễ hỏng (chủ yếu là thực phẩm). Qatar nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ và Đức nhưng cũng nhập khẩu nhiều từ A-rập Xê-út. Qatar thường nhập khẩu thực phẩm thông qua biên giới đất liền với A-rập Xê-út. Vì vậy, trong khi Qatar vẫn có thể mua thực phẩm từ các đối tác ngoài vùng Vịnh, nước này hiện phải đối mặt với khó khăn trong khâu vận chuyển lương thực về nước.

Các tàu chở hàng phải tìm kiếm đường vận chuyển khác, những thay đổi này có thể kéo theo gánh nặng về chi phí và thời gian vận chuyển. Tương tự đường bộ, đường biển và đường không của Qatar cũng chịu ảnh hưởng khi vận chuyển hàng hóa, hành khách bị trì hoãn, các chi phí tăng cao khi phải thay đổi lộ trình. Trong khi đó, lĩnh vực ngân hàng xuất hiện tình trạng thoái vốn, trì hoãn giao dịch và thị trường chứng khoán giảm điểm.

Phát biểu sau một tháng xảy ra khủng hoảng, ngày 5-7, tại London (Anh), Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed Bin Abdulrahman Al-Thani nói, nước này đang phải trả chi phí vận tải biển gấp 10 lần do bị bốn nước Arab cắt đứt quan hệ đi lại.
Cửa khẩu biên giới Abu Samra sang A-rập Xê-út, tại Qatar vắng bóng người và xe cộ, ngày 12-6-2017. (Ảnh: Reuters)

Đôi bên cùng thiệt

Qatar vốn hội nhập rất sâu rộng cả về xã hội và kinh tế với các quốc gia láng giềng, đặc biệt là với A-rập Xê-út và UAE. Bởi vậy, thiệt hại do cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh không phải riêng dành cho Qatar mà ngay cả Ai Cập và ba nước vùng Vịnh cũng chịu những ảnh hưởng và thiệt hại không nhỏ cả về kinh tế và xã hội.

Qatar nhập khẩu khoảng 40% nhu cầu lương thực của nước này bằng đường bộ thông qua A-rập Xê-út và phần lớn phần còn lại thông qua các tuyến đường hàng hải ngang qua các cảng Dubai và Fujairah của UAE để tiếp nhiên liệu. Tương tự, UAE nhập khẩu khoảng một phần ba nhu cầu khí tự nhiên của nước này từ Qatar thông qua đường ống dẫn Dolphin Energy. Ai Cập cũng phụ thuộc lớn và nhập khẩu khí hóa lỏng từ Qatar. Năm 2015, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Qatar với A-rập Xê-út là hơn 2,2 tỷ USD, với UAE là hơn 7 tỷ USD (UAE là một trong năm đối tác thương mại lớn nhất của Qatar), với Bahrain hơn 500 triệu USD và với Ai Cập là hơn 1 tỷ USD.


Nguồn: Ngân hàng thế giới

Ngoài ra, các công ty đa quốc gia có xu hướng phát triển trên toàn khu vực, với các nhóm thành viên thường sống tại một quốc gia và làm việc tại quốc gia khác. Trước khi xảy ra khủng hoảng, hơn 70 chuyến bay mỗi ngày giữa Qatar và ba nước láng giềng vùng Vịnh. Cuộc khủng hoảng hiện tại đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến dòng hàng hóa và dịch vụ, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các công ty trong khu vực. Những ảnh hưởng đối với Qatar và các quốc gia láng giềng từ tình trạng này là giống nhau, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh và du lịch.

Qatar có dân số khá ít với khoảng hơn 2,5 triệu dân. Trong số đó, khoảng hơn 10% là công dân Qatar còn lại là những người nước ngoài. Ước đoán có khoảng 20 nghìn công dân A-rập Xê-út, 15 nghìn công dân Bahrain và UAE, 300 nghìn công dân Ai Cập sinh sống và làm việc tại Qatar. Công dân của các nước thuộc GCC có thể mua bất động sản và hoàn toàn có thể sở hữu và điều hành hoạt động kinh doanh tại các nước GCC khác. Trong khi cuộc sống thường ngày của công dân các nước Qatar, A-rập Xê-út, UAE và Bahrain đã bị tác động ngay lập tức khi buộc phải về nước thì 300 nghìn công dân Ai Cập vẫn thấp thỏm về số phận của mình.
13 yêu sách của bốn nước A-rập đối với Qatar
1
Hạ mức quan hệ ngoại giao với Iran và đóng cửa các cơ sở ngoại giao của Iran tại Qatar, trục xuất Lực lượng vệ binh cách mạng Iran và cắt đứt hợp tác quân sự và tình báo với Iran. Trao đổi kinh doanh và thương mại với Iran phải tuân theo các biện pháp trừng phạt của quốc tế và Mỹ đối với Iran theo cách không gây nguy hiểm cho an ninh của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).


2
Ngay lập tức đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, hiện đang trong quá trình xây dựng và ngừng hợp tác quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar.


3
Cắt đứt quan hệ với tất cả “các tổ chức khủng bố, giáo phái và ý thức hệ cực đoan” đặc biệt là tổ chức Anh em Hồi giáo, ISIL (IS), al Qaeda, Mặt trận Nusra và Hezbollah. Chính thức tuyên bố những tổ chức này là các nhóm khủng bố như danh sách được A-rập Xê-út, Bahrain, UAE và Ai Cập tuyên bố, cũng như đồng tình với mọi thay đổi trong tương lai của danh sách này.


4
Ngừng tất cả các hình thức tài trợ cho các cá nhân, nhóm hay tổ chức bị A-rập Xê-út, UAE, Ai Cập, Bahrain, Mỹ và các quốc gia khác coi là khủng bố.

5
Chuyển các “phần tử khủng bố”, các đối tượng bỏ trốn và bị truy nã đến từ A-rập Xê-út, UAE, Ai Cập và Bahrain về nước. Đóng băng các tài khoản của những người này và cung cấp bất cứ thông tin được đề nghị về tình trạng cư trú, hoạt động và tài chính của những người này.


6
Đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera và các chi nhánh của kênh truyền hình này.


7
Chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền. Ngừng trao quyền công dân cho những đối tượng bị truy nã là công dân của các nước A-rập Xê-út, UAE, Ai Cập và Bahrain. Thu hồi quyền công dân Qatar đến từ những nước mà các công dân này vi phạm luật pháp của những nước đó.


8
Bồi thường cho những mất mát về người và của cải do các chính sách của Qatar trong những năm gần đây. Số tiền đền bù sẽ được tính toán cùng với Qatar.


9
Đưa ra các chính sách về quân đội, chính trị, xã hội và kinh tế của Qatar tương đồng với các quốc gia vùng Vịnh và A-rập khác, cũng như các vấn đề kinh tế như thỏa thuận đạt được vào năm 2014 với A-rập Xê-út.


10
Ngừng liên hệ với phe chính trị đối lập tại A-rập Xê-út, UAE, Ai Cập và Bahrain. Chuyển các tư liệu chi tiết về liên lạc trước đó của Qatar với các nhóm đối lập và sự ủng hộ của Qatar với các nhóm này, đồng thời đưa ra chi tiết về thông tin riêng của các nhóm này và sự ủng hộ của Qatar đã cung cấp cho các nhóm.


11
Đóng cửa tất cả các tờ báo được Qatar cấp ngân sách trực tiếp hoặc gián tiếp, trong đó bao gồm Arabi21, Rassd, Al Araby Al Jadeed, Mekameleen và Middle East Eye,…


12
Đồng ý với toàn bộ các yêu sách trong vòng 10 ngày danh sách này được gửi tới Qatar hoặc là danh sách này sẽ trở thành hết hiệu lực.


13
Cho phép kiểm tra hằng tháng về việc thực hiện đúng theo các yêu sách trong năm đầu tiên sau khi đồng ý các yêu sách, sau đó là kiểm tra theo quý trong năm thứ hai và kiểm tra hằng năm trong 10 năm sau đó.
Lập trường của các bên về 13 yêu sách
BỐN NƯỚC A-RẬP
"Các yêu sách không thể đàm phán và cuộc khủng hoảng chỉ có thể được giải quyết khi Qatar thực hiện đầy đủ các yêu sách."

QATAR
"Các yêu sách được đưa ra là để bị bác bỏ. Qatar sẵn sàng giải quyết khủng hoảng thông qua đối thoại nhưng sẽ không từ bỏ chủ quyền."
Tàu bốc hàng tại cảng Hamad, ở Doha, Qatar, ngày 14-6. Qatar tuyên bố nước này sẽ chuyển hàng đường biển qua Oman sau khi bốn nước A-rập tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao và đi lại với nước này. (Ảnh: EPA)

Viễn cảnh khó tránh

Trong ngắn hạn, căng thẳng ngoại giao sẽ gây thiệt hại rất lớn - nhưng không chỉ riêng – đối với Qatar. Nếu cuộc khủng hoảng này kéo dài, một số khu vực kinh tế nhất định của Qatar sẽ bị ảnh hưởng tuy nhiên khi nước này buộc phải phát triển các kênh thay thế để thích ứng sẽ dẫn đến thay đổi bối cảnh kinh tế, xã hội và chính trị của vùng Vịnh, viễn cảnh cuối cùng sẽ lại gây hại cho các quốc gia láng giềng của nước này.

Qatar là quốc gia sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới và đây là một nguồn thu chính cho ngân sách quốc gia của nước này. Nhật báo The National của Abu-Dhabi đưa tin các nguồn cung khí đốt vẫn được chuyển tới UAE và Oman bình thường bất chấp việc cắt đứt quan hệ ngoại giao. Hơn nữa, theo Cơ quan an ninh năng lượng của Mỹ, phần lớn khí tự nhiên của Qatar xuất khẩu tới châu Á, chiếm khoảng 72%, thông qua đường biển. Cho đến nay chưa có dấu hiệu cho thấy nguồn thu ngân sách này của Qatar sẽ bị ảnh hưởng nhiều do khủng hoảng.

Ngoài ra, Qatar cũng đầu tư lớn ra nước ngoài thông qua quỹ đầu tư quốc gia của nước này, trong đó có cả các khoản đầu tư tại các thành phố lớn như London, Paris và New York. Qatar có các cổ phần ở mọi lĩnh vực từ ngân hàng, sân bay tới bất động sản. Những khoản đầu tư này có vẻ như không bị đe dọa.

Tuy nhiên, theo nhận định ngày 2-7 của Viện tài chính quốc tế (IIF), một hiệp hội toàn cầu của ngành công nghiệp dịch vụ tài chính có trụ sở tại Washington, nếu cuộc khủng hoảng hiện tại tiếp tục kéo dài và các mối quan hệ tiếp tục xấu đi, tăng trưởng GDP của Qatar có thể giảm tới 1,2% trong năm 2017 và 2% trong năm 2018, chủ yếu do tăng trưởng của lĩnh vực phi dầu mỏ suy giảm do bất ổn gia tăng ảnh hưởng tới đầu tư, môi trường tài chính khó khăn hơn và có thể xuất hiện tình trạng thoái vốn dẫn đến tăng chi phí đi vay.

Tổ chức xếp hạng tín dụng toàn cầu Standard & Poor đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Qatar và thay đổi triển vọng của một số tập đoàn hàng đầu theo hướng tiêu cực. Các tổ chức xếp hạng tín dụng khác cũng cảnh báo có thể hạ mức tín nhiệm hoặc thay đổi triển vọng sang tiêu cực.

Nếu cuộc khủng hoảng kéo dài, Qatar có thể sẽ phát triển các tuyến đường cung thay thế, điều chỉnh các kế hoạch phát triển của nước này và thay đổi các kế hoạch kinh doanh của các ngành công nghiệp chủ chốt theo tình hình mới. Thị trường chứng khoán của Qatar đã ổn định sau khi bị giảm 10% trong những ngày sau khi bắt đầu cuộc khủng hoảng. Quỹ đầu tư quốc gia lớn của nước này với 335 tỷ USD sẽ giảm nhẹ tác động do giảm đầu tư nước ngoài trực tiếp. Trong khi phải chịu một số thiệt hại, những thay đổi này cũng sẽ mang đến những cơ hội kinh doanh mới và bước đầu mở ra những liên minh địa chính trị mới. Qatar sẽ có ít cơ hội nhưng sẽ nâng cao trao đổi thương mại và hội nhập với các quốc gia khác, bao gồm cả Iran. Theo thời gian những kênh thay thế này sẽ trở nên vững chắc và thay thế các mối quan hệ hiện tại với Tổ chức Hợp tác vùng Vịnh (GCC).

Tác động về mặt kinh tế dài hạn của sự vây hãm này gần như chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho A-rập Xê-út, UAE và Bahrain. Thiệt hại này sẽ thể hiện ở hình thức mất các cơ hội kinh doanh, nguồn thu từ du lịch, đầu tư giảm từ Qatar. Sẽ không dễ dàng với A-rập Xê-út và UAE để tìm những khách hàng mới trong khu vực vùng Vịnh do mất lượng hàng hóa bán và dịch vụ mà họ cung cấp cho Qatar. Quan trọng hơn, các công ty đa quốc gia có thể do dự đầu tư hay đặt các trung tâm của họ tại các quốc gia đặt những tính toán chính trị lên trên các quan ngại về kinh doanh.





Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (bên phải) gặp Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani, tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 14-7-2017. (Ảnh: Anadolu)
Nhà vua A-rập Xê-út Salman bin Abdulaziz Al Saud (bên phải) hội đàm cùng Quốc vương Kuwait Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah in Jeddah, tại Jeddah, A-rập Xê-út, ngày 7-6-2017. (Ảnh: Reuters)

Nỗ lực hòa giải


Ngay sau khi xảy ra khủng hoảng giữa Qatar và bốn nước A-rập, những nỗ lực ngoại giao đã ngay lập tức được thực hiện nhằm giảm căng thẳng. Kuwait – quốc gia giữ lập trường trung lập trong cuộc khủng khoảng, đã đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Qatar và bốn nước A-rập. Ngày 6-6, một ngày sau khi bốn nước A-rập tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al Ahmad Al Sabah đã tới A-rập Xê-út và Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất sau đó tới Qatar và có cuộc gặp với các quan chức cấp cao các nước này nhằm dàn xếp một giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Từ đó đến nay, Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc vương Kuwait đã thực hiện hàng chục cuộc tiếp xúc ngoại giao giữa các nước trong và ngoài khu vực vùng Vịnh nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng.

Bên ngoài khu vực vùng Vịnh, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là hai quốc gia tham gia tích cực vào những nỗ lực nhằm chấm dứt khủng hoảng giữa Qatar và bốn nước vùng Vịnh. Ngay sau khi xảy ra khủng hoảng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã điện đàm với các nhà lãnh đạo của Qatar, Nga, Kuwait và A-rập Xê-út nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ cũng thực hiện nhiều cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo của tất cả các bên liên quan. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 17-6 cũng đã thông báo hủy chuyến thăm tới Mexico được lên kế hoạch từ trước để tập trung vào những nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh.

Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani (bên phải) và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trao đổi bản ghi nhớ về việc chống tài trợ cho khủng bố, tại Doha, Qatar, ngày 11-7-2017. (Ảnh: Reuters)

Song song với các cuộc điện đàm giữa các nhà lãnh đạo, các quan chức cấp cao của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều đã công du tới vùng Vịnh và có cuộc gặp với người đồng cấp Qatar, Kuwait và bốn nước A-rập. Đáng chú ý và được kỳ vọng nhiều là chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tới vùng Vịnh trong các ngày từ 11-7 đến 13-7. Tuy nhiên, chuyến công du này không đạt được bước đột phá nào. Sau bốn ngày ngoại giao con thoi của ông Tillerson, các bên vẫn từ chối đối thoại trực tiếp với nhau và không có chuyển biến nào trong việc giải quyết 13 yêu sách của bốn nước A-rập gửi tới Qatar.

Tương tự, Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Pháp và Đức cũng đã lần lượt tới vùng Vịnh thảo luận với các bên liên quan nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Trong những nỗ lực ngoại giao mới nhất, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim ngày 18-7 cho biết, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tới A-rập Xê-út, Kuwait và Qatar từ ngày 23-7.

Cho đến nay, các nỗ lực ngoại giao vẫn đang được thực hiện không ngừng nghỉ nhằm hạ nhiệt và tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh. Song song với những nỗ lực ngoại giao, Qatar đã và đang phát triển các tuyến đường và đối tác thương mại mới để thích ứng với tình hình mới. Tuy nhiên, bất ổn chính trị chưa bao giờ là điều kiện tốt cho phát triển kinh tế. Nếu cuộc khủng hoảng này kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới toàn khu vực vùng Vịnh và đây rõ ràng sẽ không phải là một kịch bản thắng-thua.

* Nhật báo Financial Tribune ngày 8-7 đưa tin, công ty vận tải Valfajr của Iran đang lên kế hoạch mở một đường vận tải biển trực tiếp từ cảng Bushehr của Iran tới Qatar trong hai tuần tới. Động thái này nhằm mở rộng trao đổi thương mại phi dầu mỏ tới Qatar.
* Ngày 12-7, Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybekci cho biết, kể từ khi căng thẳng bùng phát giữa Qatar và bốn nước vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều 197 máy bay chở hàng, 16 xe tải và một tàu đến Qatar để đáp ứng nhu cầu các mặt hàng thiết yếu hằng ngày của người dân.
* Trước đó, ngày 11-6, Qatar thông báo mở các tuyến đường vận tải biển mới tới Oman giữa những quan ngại về khan nguồn lương thực thực phẩm.


Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson họp với Bộ trưởng Ngoại giao các nước A-rập Xê-út, Bahrain, Kuwait và Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất, tại Jeddah, A-rập Xê-út, ngày 12-7-2017. (Ảnh: Reuters)
Nội dung: BÔNG MAI, Đồ họa: PHI Y
Xuất bản: 20/07/2017